Quảng Nam phát triển sản phẩm OCOP gắn với cây dược liệu
Nam Trà My là một huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam, độ cao trung bình so với mực nước biển là 800m, diện tích rừng tự nhiên chiếm trên 65% diện tích; khí hậu, đất đai rất thích hợp cho việc phát triển các loài cây dược liệu quý hiếm như: Sâm Ngọc Linh, Thất diệp nhất chi hoa, Lan kim tuyến, đương quy và một số rất nhiều loại cây dược liệu khác... Rừng tự nhiên của huyện còn nhiều, độ che phủ rừng cao, đặc biệt tầng đất mặt của rừng ít bị bào mòn nên rất thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, nhất là đối với cây dược liệu. Với những tiềm năng và thế mạnh đó, huyện Nam Trà My quyết tâm xây dựng nơi đây trở thành vùng dược liệu trọng điểm của Quốc gia vào năm 2030.
Triển khai chương trình OCOP, huyện Nam Trà My đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, sau 5 năm thực hiện đã đạt được những kết quả nhất định. Đến nay huyện Nam Trà My có 25 sản phẩm OCOP; trong đó có 24 sản phẩm đạt 3 sao, một sản phẩm đạt 4 sao. Các sản phẩm OCOP đặc trưng bản địa như: mật ong Trà My, cao đảng sâm, tinh dầu quế Ngọc Dơn, trà túi lọc Chè dây, gạo đỏ Nam Trà My…Toàn huyện với tổng sản lượng sản xuất các sản phẩm OCOP hơn 11.300 đơn vị sản phẩm. Tổng doanh thu trung bình của các sản phẩm đạt 1,1 tỷ đồng mỗi năm. Thị trường tiêu thụ chính sản phẩm OCOP huyện Nam Trà My chủ yếu cung ứng trong tỉnh, các thành phố lớn như: Đà Nẵng, TP.HCM và các tỉnh phía Bắc.
Sản phẩm OCOP từ dược liệu trên địa bàn huyện được đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến tiêu thụ. Ảnh: NDO.
Theo đánh giá của Phòng NN&PTNT huyện, sản phẩm OCOP của Nam Trà My gắn với thế mạnh về trồng dược liệu mà huyện đã định hướng trong nhân dân, nên nguồn nguyên liệu đảm bảo. Các chủ thể sản phẩm OCOP chủ động tiếp cận thị trường, quảng bá giới thiệu sản phẩm để tiêu thụ sản phẩm trong toàn quốc. Hiện nay, huyện vẫn chưa có trung tâm trưng bày sản phẩm OCOP tại địa phương, mà chỉ mới có gian trưng bày kết hợp trong phiên chợ sâm hàng tháng, chỉ mở cửa 3 ngày nên chưa tạo thuận tiện trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm thường xuyên. Vì vậy, huyện hỗ trợ các chủ thể OCOP tăng cường kết nối sản xuất với tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, mối liên kết trao đổi, hợp tác giữa các địa phương, doanh nghiệp nhằm tạo chuỗi giá trị, đảm bảo ổn định thị trường phát triển mạng lưới phân phối hàng Việt.
Thời gian tới, huyện miền núi Nam Trà My chú trọng nâng cấp sản phẩm OCOP hiện có, khảo sát định hướng phát triển những sản phẩm có tiềm năng. Trong đó, chú trọng phát triển sản phẩm chế biến từ cây dược liệu địa phương theo chuỗi giá trị và gia tăng giá trị; gắn với hoạt động du lịch trải nghiệm, ứng dụng khoa học công nghệ trong quy trình chuỗi sản xuất, thương mại hóa tạo ra sản phẩm chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường. Ở những vùng sâu Trà Cang, Trà Vân, Trà Leng huyện Nam Trà My cũng nỗ lực tham gia OCOP để nâng dần giá trị nông sản bản địa.
Huyện Nam Trà My cũng ưu tiên phát triển và chế biến các sản phẩm từ cây sâm Ngọc Linh trên 500ha, với 1.000 hộ tham gia; nhân rộng sản phẩm quế Trà My trên 1.000ha; phát triển du lịch cộng đồng liên kết vùng quế Trà My và sâm Ngọc Linh, trải nghiệm cuộc sống của đồng bào Xê Đăng trên diện tích 500ha, với 200 hộ tham gia. Đến năm 2025, vùng núi cao này kỳ vọng có 30 sản phẩm đạt 3 sao, 4 sao và một sản phẩm đạt 5 sao cấp Quốc gia; đưa cây sâm Ngọc Linh và cây quế Trà My trở thành sản phẩm chủ lực của huyện Nam Trà My trong giai đoạn mới.
Phòng NN&PTNT huyện Nam Trà My cho biết, cùng với sự hỗ trợ của huyện, các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trên địa bàn huyện đã mạnh dạn đầu tư máy móc, trang thiết bị, ứng dụng công nghệ, tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm. Qua đó tạo sự đa dạng, phong phú về mẫu mã, tính đặc trưng, đặc sản của sản phẩm trên thị trường.
Huyện Nam Trà My định hướng sản xuất OCOP gắn với mã vùng trồng, nhất là các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh. Ảnh: QĐ.
Huyện Nam Trà My có diện tích trồng sâm Ngọc Linh lớn nhất tỉnh, quy mô diện tích trồng được phân bổ ở nhiều xã, chất lượng đồng đều. Cạnh đó, nhiều sản phẩm sản xuất từ cây sâm Ngọc Linh tham gia đăng ký sản phẩm OCOP và đã có 1 sản phẩm đạt 4 sao cấp tỉnh. Với nhu cầu nguồn nguyên liệu của các chủ thể ngày càng cao, huyện Nam Trà My đang định hướng chủ thể OCOP gắn mã vùng trồng đối với sâm Ngọc Linh. Qua đó giúp người trồng sâm ý thức hơn trong việc chăm sóc, bảo vệ sâm, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP.
Ngoài sâm Ngọc Linh, UBND huyện Nam Trà My đang tập trung hỗ trợ chủ thể truy xuất nguồn gốc đối với các loại dược liệu như giảo cổ lam, chè dây, sâm nam. Đồng thời tư vấn các chủ thể lựa chọn các ứng dụng khoa học công nghệ phù hợp như HACCP, GMP và các tiêu chuẩn cơ sở để đảm bảo tiêu chí đưa ra thị trường, hướng đến xuất khẩu.
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam, tính đến cuối tháng 11/2023 Quảng Nam đã có 351 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP các hạng sao; trong đó có 293 sản phẩm 3 sao, 58 sản phẩm 4 sao (1 sản phẩm tiềm năng 5 sao). Hiện nay, toàn tỉnh có 86 HTX là chủ thể của 87 sản phẩm OCOP 3 - 4 sao. Các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam mặc dù còn nhiều khó khăn về điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, song lại được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, đất đai, hệ sinh thái thực vật phong phú, đa dạng với nhiều loài cây dược liệu có giá trị, quý hiếm.
Một số sản phẩm đặc trưng thế mạnh, tiêu biểu được công nhận đạt từ 03-04 sao như: Trà Đảng sâm, Cao Đảng sâm, Rượu Đảng sâm, Rượu Ba Kích (Tây Giang); Chè dây Razéh, Ớt Ariêu muối, Rượu KaKun (Đông Giang); tinh dầu quế Trà My, Rượu Lúa Rẫy Bắc Trà My (Bắc Trà My); Giảo cổ lam, Trà Khổ qua rừng, Trà rau má rừng, Bột Quế gia vị (Nam Trà My)...
Việc triển khai, thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được coi là hướng đi đúng cho người dân trên địa bàn toàn tỉnh, nhất là các huyện miền núi, vùng sâu vùng xa. Không những vậy, OCOP còn có ý nghĩa nhiều mặt, giúp tận dụng tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, tạo công ăn việc làm, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống của bà con đồng bào dân tộc thiểu số và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.